Tọa đàm “Sóng thần công nghệ – Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21”

Ngày 15/3, nhân dịp giới thiệu cuốn sách sắp ra mắt Sóng thần công nghệ (tựa gốc The Coming Wave), Công ty cổ phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES) cùng Viện Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII) đồng tổ chức tọa đàm “Sóng thần công nghệ – Trí tuệ nhân tạo, quyền lực và thách thức lớn nhất thế kỷ 21”.

Sự kiện có sự tham dự của một số nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nhân, bàn về quá trình tiến triển của công nghệ, khám phá sự tiến bộ nhanh chóng của AI cũng như công nghệ sinh học và cách hai công nghệ này định hình tương lai của thế giới; đồng thời thảo luận về những thách thức đạo đức mà AI mang lại và cách chúng ta có thể định hình các nguyên tắc quản lý nó.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Huây nêu rõ về những thách thức mà AI mang lại, đồng thời nhấn mạnh làn sóng công nghệ mới có thể là cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.

Mở đầu tọa đàm, ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) thuyết trình về lịch sử phát triển của AI, các cơ hội và vấn đề mà AI đang đặt ra cho xã hội hiện nay. Ông nhấn mạnh thông điệp: “AI sẽ không thay thế bạn mà người sử dụng AI sẽ thay thế bạn”.

Theo dịch giả Hoàng Linh, con người đã chứng kiến nhiều cột mốc trong sự thay đổi, phát triển công nghệ như sự xuất hiện của điện, Internet nhưng làn sóng lần này, nổi bật là trí tuệ nhân tạo, mang đến tác động còn mạnh mẽ hơn. Ngoài những mặt tích cực đem lại, nó còn có cả khả năng gây hại, trở thành công cụ cho những cá nhân, tổ chức có mục đích xấu.

Bổ sung ý kiến, dịch giả Sơn Phạm – đồng sáng lập, giám đốc Công ty cổ phần Times Business Việt Nam (Timesbiz – công ty con trong hệ sinh thái Times Corp, chuyên về dòng sách kinh tế, kinh doanh, tài chính, đầu tư) nêu ví dụ về việc AI, với công nghệ deep-fake bị lợi dụng để bôi nhọ đối thủ trong tranh cử, tác động tới kết quả bầu cử (không kịp đảo ngược), từ đó tác động tới các chính sách kinh tế, tài khóa, xã hội… ảnh hưởng tới mọi người dân, hay việc “dân chủ hóa công nghệ” khiến những kẻ cuồng tín cũng nắm được công nghệ sinh học tổng hợp, tạo ra những “mầm bệnh nhân tạo” gây chết chóc nhiều nghìn người v.v. Chính vì vậy, trong cuốn sách, tác giả có nhắc tới vấn đề “phải kiềm tỏa được” làn sóng công nghệ sắp tới…

Đồng quan điểm về những khía cạnh khác nhau mà làn sóng công nghệ, nổi bật là AI, đem lại, ông Phan Đức Trung – Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam – cho rằng AI không đáng sợ nhưng cần xây dựng cơ chế luật pháp nhanh chóng, phù hợp để quản lý.

Theo TS Nguyễn Xuân Phong, có thể chủ động đưa AI vào các trường phổ thông và các trường có thể giáo dục cho học sinh để các em hiểu và tiếp cận AI một cách tích cực.

Chúng ta đang nhìn nhận AI là khách thể, TS Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chiến lược Trung Quốc nhận xét; đồng thời cho rằng, cần nhìn AI như một chủ thể, mà ở đó vấn đề cần quan tâm là khung pháp lý nhằm ngăn chặn sự sai lệch trong đối xử với rô bốt. Do đó, vấn đề giá trị, tiêu chuẩn đạo đức khi sử dụng AI cần được thảo luận và làm rõ.

Nhân dịp này, cuốn sách “Sóng thần công nghệ” được ra mắt. Cuốn sách sẽ chính thức phát hành vào tháng 4 tới, với hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm.

Trong cuốn sách này, chuyên gia Mustafa Suleman hướng dẫn giá trị về cách đối mặt với làn sóng công nghệ sắp tới và những tác động của nó với nhân loại.

Cuốn sách thể hiện tầm nhìn của chuyên gia Mustafa Suleyman về việc “kiểm tỏa” công nghệ – nhiệm vụ duy trì sự kiểm soát đối với các công nghệ mạnh mẽ như là thách thức cần thiết của thời đại.