Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động: không một nền kinh tế nào an toàn trước những nguy cơ khủng hoảng cận kề, không một xã hội nào thực sự ổn định sau đại dịch Covid với những dư chấn chắc chắn còn kéo dài, không một nền giáo dục nào lại không rúng động bởi những tiến bộ công nghệ có khả năng làm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống, thêm vào đó là môi trường sống đang dần dần suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu. Cảm giác bất định, không chắc chắn, mơ hồ về hiện tại và tương lai là điều không tránh khỏi.
Trước những thách thức to lớn của thời đại, con người buộc phải lựa chọn cách ứng phó: chấp nhận một cách thụ động hoặc đương đầu một cách tích cực. Lịch sử đã chứng minh rằng có không chỉ hai cách ứng phó trên. Lịch sử cũng cho thấy cách thức ứng phó khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau: dân tộc ấy hay quốc gia ấy trở thành yếu đuối hoặc trở nên mạnh mẽ, biệt lập hoặc mở mang, phụ thuộc hay tự chủ, thất bại hay thành công trên con đường phát triển…
Chúng tôi chọn cách thức ứng phó tích cực. Cách thức đó là: Chấp nhận thực tại của một thế giới đầy biến động, đồng thời thúc đẩy động lực cải tạo môi trường sống – vốn là bản năng xã hội của loài người – thông qua phát triển và quảng bá tri thức khoa học. Những cuộc cách mạng về tri thức trong lịch sử đã làm nền tảng cho những cuộc cách mạng về điều kiện sống của con người: cách mạng nông nghiệp thời cổ đại có được là do tích lũy tri thức xã hội về canh tác, hệ quả của nó là đời sống nhân loại trở nên ổn định nhờ lương thực được đảm bảo; cách mạng công nghiệp thời trung đại là do tích lũy tri thức khoa học, hệ quả của nó là điều kiện vật chất trong xã hội trở nên phong phú, dồi dào, con người có nhiều cơ hội hơn để phát triển và hoàn thiện bản thân. Bài học của cuộc cách mạng khoa học vào thế kỉ 18 (là tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) đó là tri thức khoa học được truyền bá rộng rãi không biên giới thông qua giáo dục và sách vở, được tích lũy và phát triển bởi các nhà khoa học đa ngành, được hội tụ ở một mức độ lớn thì sinh ra cách mạng khoa học. Viễn cảnh tương lai của thế kỉ 21 có thể bổ sung cho bài học này: không thể chỉ tích lũy và phát triển tri thức khoa học mà cần gây dựng phương pháp tư duy mới cho con người trong một thời đại mà máy móc và trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế vai trò con người trong một loạt lĩnh vực hoạt động.
Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES) được thành lập trên cơ sở cách tiếp cận này. Chúng tôi mong muốn cung cấp hệ thống kiến thức, phẩm chất và kĩ năng nhằm phát triển các khả năng của con người và vì con người. Sách vở khoa học cập nhật những thành tựu mới của các ngành khoa học xã hội và công nghệ. Sách vở giáo dục củng cố và hỗ trợ những phẩm chất cũng như kĩ năng của con người hiện đại, ở những hoạt động mà máy móc và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được. Chúng tôi thực sự mong muốn đồng hành cùng với nhu cầu học tập suốt đời của người Việt Nam tương ứng với những đòi hỏi của thời đại. Đồng thời chúng tôi cũng mong được hợp tác với các cá nhân và tổ chức có chung mục đích theo đuổi các giá trị nhân văn và quảng bá kiến thức vì một xã hội tiến bộ.
Từ thời điểm này chúng tôi bắt đầu bước đi đầu tiên trên một hành trình đã định trước, nhưng trong hoàn cảnh của một thế giới bất định và mơ hồ. Chúng tôi tin tưởng vào con đường của mình. Song chúng tôi cũng trông đợi sự ủng hộ của các bạn – bất kì ai chia sẻ cùng chúng tôi quan điểm về khoa học và giáo dục như là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Với sự ủng hộ của các bạn, chúng tôi sẽ càng vững bước hơn trên hành trình của mình.
Trân trọng!
Vũ Trọng Đại
Đồng sáng lập, CEO TIMES