DOANH NHÂN VŨ TRỌNG ĐẠI TÌM CƠ HỘI TỪ NHỮNG “KHOẢNG TRỐNG” TRONG NGÀNH XUẤT BẢN

Ông Vũ Trọng Đại có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giữ vai trò chủ chốt ở nhiều công ty sách danh tiếng như Thái Hà Books, Alpha Books, Omega Việt Nam (Omega+), và Công ty CP Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES). Trò chuyện cùng Tatler Vietnam, ông chia sẻ về hành trình thăng trầm cùng sách và ngành xuất bản, đồng thời dự đoán về sự chuyển dịch của ngành này trong kỷ nguyên công nghệ                    

Vu Trong Dai

Ông Vũ Trọng Đại là “người quen” trong ngành xuất bản Việt Nam. Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, ông đã giữ vai trò chủ chốt ở nhiều công ty sách danh tiếng, như Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà (Thái Hà Books), Giám đốc điều hành Công ty CP Sách Alpha (Alpha Books), Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega+). Đồng sáng lập và là Giám đốc Công ty CP Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES).

Sinh năm 1979, ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng là biên tập viên của NXB Thế Giới. Ở vai trò dịch giả và tác giả Vũ Trọng Đại đã xuất bản hơn 20 tác phẩm về lịch sử, lịch sử kinh tế, văn hóa và kĩ năng làm việc. Năm 2014, ông từng đạt Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh việc điều hành TIMES, ông Vũ Trọng Đại là chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng của Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền và Khoa Xuất bản – Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Bên trên Ông Vũ Trọng Đại. Ảnh: RABHUU
Bên trên Ông Vũ Trọng Đại. Ảnh: RABHUU

Xin ông cho biết, lý do ông gắn bó lâu dài với ngành xuất bản?

Tôi gắn bó với ngành xuất bản vì ba lẽ: Đam mê, Nghề nghiệp và Lẽ sống.

Sách là niềm đam mê của tôi từ nhỏ. Tuổi ấu thơ tôi lớn lên với bà nội, bà ngoại, với mùi trầu không vương trên áo và trong những câu truyện cổ tích bà kể. Đứa trẻ con là tôi khi ấy khao khát tự mình đọc truyện, khao khát đến phát khóc vì chưa biết chữ. Có lẽ nhờ thế mà tôi biết đọc trước khi vào lớp 1. Biết chữ, biết đọc và rồi đọc rất nhiều: đến năm lên 10, tôi đã đọc hết những sách thiếu nhi kim cổ, Đông Tây có thể tìm đọc được, bắt đầu đọc sang truyện người lớn: khi học lớp 5, tôi đã đọc cả mấy bộ tiểu thuyết chương hồi như Tây Du Kí, Tam Quốc diễn nghĩa, Hán Sở tranh hùng… Đến cấp hai, tôi có thể không ăn, ôm các bộ truyện của Kim Dung nghiến ngấu đọc một mạch từ sáng đến chiều để kịp trả cửa hàng cho thuê truyện.

Sách còn là nghề nghiệp. Tốt nghiệp đại học, tôi vốn định trở thành nhà nghiên cứu lịch sử hoặc đi dạy học. Thế nhưng sự đưa đẩy của cuộc đời lại dẫn tôi tới công việc đầu tiên, trở thành một biên tập viên. Đã có lần tôi từ bỏ việc làm sách bởi ham muốn trở thành nhà nghiên cứu trỗi dậy. Tôi đã mất một năm trời chỉ để nhận ra một điều: làm sách không chỉ là công việc, nó là sở thích, là thứ định hình nên con người tôi, là thế mạnh nổi trội của bản thân, là niềm đam mê vẫn luôn cháy trong tôi. Đó là năm tôi 28 tuổi. Kể từ khi ấy, tôi gắn bó với công việc xuất bản không rời.

Sách cũng là lẽ sống của tôi. Khi tôi 30, qua những cuốn sách từng làm, tôi nhận ra sách không chỉ là một sản phẩm, là kiến thức mà sách còn có thể thay đổi thế giới. Sách có thể làm thay đổi một con người, khiến họ đổi đời. Sách làm biến chuyển một cộng đồng, một lĩnh vực, một ngành nghề, khiến họ hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, thành công hơn. Sách là cơ sở cho những cuộc cách mạng về tri thức, ví như cuộc Cách mạng Khoa học, từ đó làm tiền đề cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất.

Sách có thể thay đổi một quốc gia, dân tộc, giúp họ trở nên văn minh, giàu mạnh và hùng cường hơn. Nước Nhật vào giai đoạn Minh Trị Duy Tân cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 là một ví dụ tiêu biểu: thông qua dịch thuật và xuất bản sách vở về thành tựu mọi mặt của văn minh phương Tây mà trong vòng chưa đầy 50 năm, từ vị thế của một nước nhược tiểu, họ đã củng cố được nền độc lập, đuổi kịp các nước tiên tiến và vươn lên trở thành một cường quốc. Đó là lí do sau cùng, vượt trên cả đam mê và nghề nghiệp, khiến tôi theo đuổi công việc xuất bản cho đến giờ.

Vu Trong Dai
Bên trên Ông Vũ Trọng Đại. Ảnh: RABHUU

Sáng lập và điều hành Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại trong bối cảnh ngành xuất bản hiện này, một công ty sách có tuổi đời còn trẻ sẽ gặp những thuận lợi khó khăn gì?

TIMES ra đời trong một bối cảnh đặc biệt. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động: không một nền kinh tế nào an toàn trước những nguy cơ khủng hoảng cận kề và những xáo trộn về địa chính trị, không một xã hội nào thực sự ổn định sau đại dịch COVID với những dư chấn chắc chắn còn kéo dài, không một nền giáo dục nào lại không rúng động bởi những tiến bộ công nghệ có khả năng làm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống, thêm vào đó là môi trường sống đang dần dần suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu. Ngành xuất bản đang trải qua những thách thức chung nêu trên, sự chững lại là điều có thể hiểu được.

Nhưng thách thức cũng đi liền với cơ hội. TIMES có thể học hỏi từ bài học thành công và thất bại của rất nhiều doanh nghiệp xuất bản đi trước cả trong và ngoài nước. TIMES có thể ngay lập tức thích nghi với những điều kiện của môi trường xã hội mới mà không phải trải qua quá trình chuyển đổi cam go như những doanh nghiệp đã thành lập từ trước. Chúng tôi chọn cách thức ứng phó tích cực với bước chuyển lớn lao hiện nay của nhân loại. Cách thức đó là: Chấp nhận thực tại của một thế giới đầy biến động, đồng thời thúc đẩy động lực cải tạo môi trường sống – vốn là bản năng xã hội của loài người – thông qua phát triển và quảng bá tri thức khoa học.

Những cuộc cách mạng về tri thức trong lịch sử đã làm nền tảng cho những cuộc cách mạng về điều kiện sống của con người: cách mạng nông nghiệp thời cổ đại có được là do tích lũy tri thức xã hội về canh tác; cách mạng công nghiệp thời trung đại là do tích lũy tri thức khoa học. Bài học của cuộc cách mạng khoa học vào thế kỉ 18 (là tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) đó là tri thức khoa học được truyền bá rộng rãi không biên giới thông qua giáo dục và sách vở, được tích lũy và phát triển bởi các nhà khoa học đa ngành, được hội tụ ở một mức độ lớn thì sinh ra cách mạng khoa học.

Trong thời đại mà máy móc và trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động, ta không thể chỉ tích lũy và phát triển tri thức khoa học mà cần gây dựng phương pháp tư duy mới cho con người

– Vũ Trọng Đại –

Viễn cảnh tương lai của thế kỉ 21 có thể bổ sung cho bài học này: trong thời đại mà máy móc và trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động, ta không thể chỉ tích lũy và phát triển tri thức khoa học mà cần gây dựng phương pháp tư duy mới cho con người. Chúng tôi mong muốn cung cấp hệ thống kiến thức, phẩm chất và kĩ năng nhằm phát triển các khả năng của con người và vì con người. Sách vở khoa học cập nhật những thành tựu mới của các ngành khoa học xã hội và công nghệ. Sách vở, giáo dục củng cố và hỗ trợ những phẩm chất cũng như kĩ năng của con người hiện đại, ở những hoạt động mà máy móc và trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được. Chúng tôi thực sự mong muốn đồng hành cùng với nhu cầu học tập suốt đời của người Việt Nam tương ứng với những đòi hỏi của thời đại.

Cuối cùng, dù mới thành lập được hai năm nhưng không đồng nghĩa TIMES là người đi sau. Ngành xuất bản Việt Nam, trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển, vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và còn rất nhiều “khoảng trống” cần lấp đầy. Trong hơn một thập niên vừa qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành luôn đạt mức hai con số. Ở Việt Nam có khoảng hơn 500 đơn vị xuất bản nhưng nhìn chung qui mô chưa đủ lớn và củng chưa hình thành những đơn vị dẫn đầu thị trường, xét toàn thể hay trong từng phân khúc thị trường. Điều đó trở thành cơ hội của chúng tôi.

Vu Trong Dai
Bên trên Ông Vũ Trọng Đại. Ảnh: RABHUU

Không thể phủ nhận ngày nay những phương tiện nghe nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc. Kỷ nguyên công nghệ có tạo ra những động lực hay trở ngại gì cho ngành xuất bản?

Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta cần phân biệt giữa việc đọc và thói quen đọc. Việc đọc của con người không thay đổi vì đọc là một trong những cách thức căn bản để con người tiếp thu kiến thức. Thứ đang thay đổi chính là phương tiện phục vụ cho việc đọc. Chúng ta thường mặc định việc đọc, hay sách vở gắn liền với sách giấy, đến mức nó trở thành định kiến trong xã hội: xuất bản tức là sách giấy. Điều này là dễ hiểu, vì thực tế này đã diễn ra ít nhất từ thế kỉ 15 đến nay, ăn sâu vào tâm trí nhân loại. Song, đã đến lúc cần định nghĩa lại ngành xuất bản: Xuất bản là việc cung cấp thông tin cho con người dưới nhiều định dạng khác nhau như sách giấy, sách điện tử, sách nói và các hình thức chứa đựng thông tin/dữ liệu khác. Các từ điển hàng đầu thế giới như Oxford, Cambridge, Wikipedia… cũng đang sửa lại định nghĩa về xuất bản theo hướng trên.

Kỷ nguyên công nghệ đang mở rộng phạm vi và chân trời của ngành xuất bản. Từ đơn thuần là sách giấy, giờ đây họ có thể xuất bản nhiều định dạng nội dung hơn, tức là có nhiều loại hình sản phẩm hơn, nhiều doanh thu hơn. Động lực đồng thời cũng là trở ngại lớn nhất của ngành xuất bản là chính họ: họ có thay đổi tư duy và cách làm truyền thống gắn với sách giấy hay không, có bắt kịp xu thế công nghệ hiện nay để ứng dụng và sáng tạo những sản phẩm nội dung mới trên các nền tảng công nghệ nhằm đáp ứng cho các nhu cầu đọc khác nhau hay không.

Ngành xuất bản Việt Nam, trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển, vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và còn rất nhiều “khoảng trống” cần lấp đầy

– Vũ Trọng Đại –

Trong vai trò người làm sách, theo ông, xu hướng đọc sách của độc giả ngày nay như thế nào?

Hãy nhìn vào lịch sử nhân loại: thời đại sau luôn hiệu quả hơn, nhịp sống xã hội cũng nhanh hơn so với các thời đại trước đó. Dẫn đến việc độc giả ngày nay mong muốn thu nhận nhiều kiến thức hơn để học tập, làm việc hiệu quả hơn, và trong thời gian ngắn hơn do nhịp sống ngày càng trở nên gấp gáp. Sách ngày nay, dù định dạng là gì, đều phải cung cấp thông tin ngắn gọn và cô đọng hơn trước, có “độ nén” kiến thức cao, đặc biệt là kết hợp với những hình thức truyền tải nội dung khác: hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu, âm thanh, video… Một cuốn sách truyền thống có thể mất hàng trăm trang để mô tả về Kim Tự Tháp Ai Cập và người đọc cần hàng tháng để đọc, trong khi nếu kết hợp với tranh ảnh, sơ đồ thì có thể chỉ cần vài chục trang và chỉ mất mấy ngày đọc mà thôi. Chúng ta có thể gọi xu hướng này là xu hướng đọc sách minh họa. Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt: loại sách này có thể ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của người đọc – đây cũng là vấn đề mà ngành giáo dục quan tâm hiện nay.

Sách vở đóng vai trò ra sao trong việc truyền tải cho độc giả đại chúng các kiến thức khoa học công nghệ dễ hiểu và nhanh nhất trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay, khi mọi thứ có thể trở nên “cũ” rất nhanh?

Sách vở là một trong những cách thức chủ yếu để cung cấp thông tin, kiến thức có hệ thống và đáng tin cậy cho người đọc. Kiến thức khoa học thì có nhiều loại và mỗi nhà xuất bản lại lựa chọn một loại khác nhau, với cách thức truyền tải có thể khác nhau. Chúng tôi có lựa chọn của riêng mình: thừa nhận rằng công nghệ thay đổi liên tục, thậm chí đến mức lần đầu tiên trong lịch sử, con người không theo kịp sự tiến bộ của công nghệ. Do đó, chúng tôi xác định xuất bản những cuốn sách có tính bao quát, có giá trị, mang tính thời cuộc và thời đại.

Làm sao để dễ hiểu và nhanh nhất? Chúng tôi lựa chọn tác giả và tác phẩm hướng đến đại chúng, không hàn lâm hay quá kĩ thuật chuyên sâu. Đồng thời chúng tôi tối ưu hóa qui trình và ứng dụng công nghệ, cụ thể là AI, để đẩy nhanh tốc độ xuất bản.

Kỷ nguyên công nghệ đang mở rộng phạm vi và chân trời của ngành xuất bản

– Vũ Trọng Đại –

Trong thời đại của tin giả, mọi người được tham gia bàn luận mọi lĩnh vực dù lĩnh vực đó đòi hỏi kiến thức chuyên môn, tác giả Tom Nichols gọi đó là “cái chết của chuyên gia”. Sách vở còn giữ được vai trò như một nguồn tham khảo chính thống và uy tín cho đại chúng?

Tình hình bàn luận nói trên thực ra lại là điều tốt đẹp. Nó cho thấy tri thức đã được “dân chủ hóa” ở một mức độ nhất định. Hãy nhớ rằng xuất bản hiện đại gắn với phổ cập sách giấy là một thành tựu vĩ đại của nhân loại, khi từ giữa thế kỉ 15, nó chính thức loại bỏ vị thế độc quyền tri thức trước đó của giới quí tộc và giới tăng lữ trên bình diện thế giới và trao quyền tiếp cận cho nhiều tầng lớp xã hội. Cùng với những thành tựu của giáo dục, tri thức ngày càng trở nên “dân chủ hóa”, dễ dàng tiếp cận đại chúng.

Chúng ta cần hiểu tại sao tin giả lại trở nên phổ biến. Max Fisher, một nhà báo kì cựu của tờ New York Times chỉ ra cơ chế phân phối thông tin dựa trên thuật toán của các nền tảng mạng xã hội đã thúc đẩy những ý kiến cực đoan, từ đó dẫn đến những hành động cực đoan, mà hậu quả dễ thấy là sự chia rẽ. Khi người ta bằng mọi cách để chiến thắng trong tranh luận mà không dựa trên cơ sở khoa học và luận chứng, khi ấy tin giả xuất hiện.

Người ta chẳng thể bàn luận gì đến nơi đến chốn chỉ bằng một dòng trạng thái trên X hay đăng bài trên Facebook. Tuy nhiên, trước hệ lụy của tiêu dùng nhanh tri thức như hiện nay, thách thức của các tác giả (chuyên gia) cũng như các nhà xuất bản là phải thể hiện tiếng nói có trọng lượng và trách nhiệm của mình trước các vấn đề của xã hội bằng cách phát ngôn đúng lúc, và bằng những tác phẩm độc lập và có sức ảnh hưởng với đám đông.

Cùng với những thành tựu của giáo dục, tri thức ngày càng trở nên “dân chủ hóa”, dễ dàng tiếp cận đại chúng

– Vũ Trọng Đại –

Xin ông cho một vài ý kiến về tình hình văn hóa đọc trong nước thời điểm hiện tại.

Vấn đề này tôi đã trả lời trong một số bài phỏng vấn trước đây. Tôi xin nhắc lại vài ý chính. Việt Nam chưa có văn hóa đọc mà mới chỉ có phong trào khuyến đọc. Việt Nam đã và đang trải qua bốn làn sóng xuất bản kể từ thập niên 1990 đến nay, mỗi làn sóng hình thành một xu hướng đọc khác nhau.

Sau giai đoạn hình thành phong trào khuyến đọc trong thập kỉ 2010 vừa qua, việc thúc đẩy đọc sách cần đi vào chiều sâu: làm sao để hình thành thói quen đọc trong gia đình và nhà trường, từ đó mới có kĩ năng đọc, có kĩ năng đọc rồi mới có thể hình thành hệ thống tiêu chuẩn/chuẩn mực về đọc sách, nhờ đó hình thành ra lối sống, và cuối cùng chúng ta mới có được văn hóa đọc. Đó là chặng đường bắt buộc phải trải qua nhiều thế hệ để hình thành, có thể mất đến hàng chục năm. Vì thế, không nên nóng vội mà hãy kiên trì, bền bỉ.

Đọc thêm: Tiến sĩ Jane Goodall, Nhà nghiên cứu về tập tính và bảo tồn động vật: “Thế hệ trẻ vẫn có thể cứu lấy hành tinh”

Sách là một sản phẩm đặc thù. Ngày nay, sản phẩm nào cũng cần truyền thông. Theo ông, làm sao để quảng bá sách đến được với người đọc, trong biển thông tin ngồn ngộn mỗi ngày?

Có ba điều nên nhớ để truyền thông sách hiệu quả, dù trong thời đại nào:

Thứ nhất, hãy nhớ rằng mỗi cuốn sách đều khác nhau. Không có hai người giống hệt. Sách cũng vậy vì nó đại diện cho con người (tác giả) khác nhau tại các thời điểm khác nhau, trong những bối cảnh và trạng thái khác nhau. Cho nên sẽ thất bại hoặc kém hiệu quả nếu truyền thông hai cuốn sách theo cách thức giống hệt nhau.

Thứ hai, hãy nhớ là luôn phải tạo ra cách truyền thông mới. Một món ăn ngon, ăn mãi rồi cũng chán. Truyền thông cho sách cũng vậy. Một cuốn sách cũ nhưng vẫn có thể thành công, thậm chí trở thành best-seller (sách bán chạy nhất) với cách truyền thông mới, mà ta có thể gọi là “bình mới rượu cũ”.

Thứ ba, hãy nhớ lợi dụng đặc tính xu hướng của sách. Dự đoán và kịp thời nắm bắt xu hướng (trend) là cả một nghệ thuật, có thể thổi bùng một cuốn sách chỉ trong tích tắc. Biết đặt cuốn sách vào đúng xu hướng của xã hội, việc còn lại là của đám đông.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành xuất bản, ông nhận định ngành xuất bản trong thời gian tới sẽ chuyển dịch theo hướng nào?

Tiếp tục tăng về qui mô. Đa dạng hơn. Phân hóa sâu sắc hơn. Hội nhập quốc tế.


By Nữ Lâm l Apr 02, 2025

Nguồn: tatlerasia.com  Doanh nhân Vũ Trọng Đại tìm cơ hội từ những “khoảng trống” trong ngành xuất bản

Xem thêm tại: https://timescorporation.vn/